0976 283788 - 0967 455788 I sale@theptas.vn

Tin tức & Truyền thông

Hiệp định EVFTA: Ngành thép Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này

745       Ngày: 11-06-2020

Theo như Hiệp định EVFTA, thì ngành thép của Việt Nam được kỳ vọng sẽ là một trong những ngành hưởng lợi khi có thể mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Âu.

Theo đó, Hiệp hội Thép Việt Nam đã có báo cáo mới nhất về tình hình xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài từ đầu năm đến nay đạt hơn 815 ngàn tấn, kim ngạch 454 triệu USD. Nếu như so cùng kỳ năm 2019, thì lượng xuất khẩu trên tăng 47% về lượng, tăng 24% về giá trị.

Nhưng hiện Việt Nam mới chỉ xuất khẩu chủ yếu sang các nước Đông Nam Á, đạt khoảng 494.000 tấn, giá trị 263 triệu USD, chiếm tới 60% trong tổng lượng sắt thép xuất khẩu của cả nước, chiếm 57,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi, ở thị trường châu Âu chỉ đạt 3,18%.

Tuy rằng số liệu về xuất khẩu của ngành thép có khả quan hơn nhiều so với năm 2019, song tỷ lệ xuất khẩu chỉ riêng khối EU đã giảm hơn 1/2 so với cùng kỳ năm trước.

Theo chuyên gia trong lĩnh vực thép, ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng, Việt Nam vẫn chưa thể tận dụng và đẩy mạnh xuất khẩu sang EU. Hiện Việt Nam vẫn chỉ tập trung vào thị trường trong nước và ở một số thị trường truyền thống như: ASEAN, Hoa Kỳ... Vì vậy, cơ hội để xuất khẩu của ngành thép Việt sang thị trường EU là rất lớn.

Cũng theo ông Sưa nói thêm rằng: “Hi vọng rằng, khi EVFTA chính thức có hiệu lực, với những ưu đãi về thuế quan sẽ là một thị trường lớn cho doanh nghiệp sản xuất tôn thép nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung đẩy mạnh xuất khẩu. Đây sẽ là cơ hội rất lớn nhưng doanh nghiệp có tận dụng được hay không mới là điều quan trọng”.

Theo Bộ Công Thương, Hiệp định này sẽ giúp cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% trong năm 2020; 42,7% năm 2025 và 44,37% năm 2030 so với lúc chưa có Hiệp định. Về vĩ mô, Hiệp định này góp phần làm GDP của Việt Nam tăng ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (giai đoạn 2019 - 2023); 4,57 - 5,30% (giai đoạn 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (giai đoạn 2029 - 2033).

Theo đó, Chính phủ sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định này ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn. Đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, một trong những nội dung trong Kế hoạch là sẽ tập trung tăng cường phổ biến về Hiệp định cho các đối tượng có liên quan dưới các hình thức đổi mới sáng tạo hơn; thiết lập và tăng cường liên kết đầu mối thực thi Hiệp định tại các bộ, ngành và địa phương…

Trong quá trình thực thi Hiệp định EVFTA sẽ thực hiện rà soát pháp luật, báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành theo đúng với lộ trình đã quy định của Hiệp định.

Ngoài ra, Chính phủ xác định xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho các ngành hàng, doanh nghiệp, phù hợp với cam kết quốc tế. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị các giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi Hiệp định; hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, cung ứng khu vực và toàn cầu...

Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, căn cứ vào các nhóm công việc lớn này, khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện của đơn vị, địa phương mình cũng như tăng cường việc giám sát thực hiện để bảo đảm việc thực thi của Việt Nam được đầy đủ, hiệu quả và đồng bộ…

GK



Ý kiến & Đánh giá
Gọi Zalo Facebook