0976 283788 - 0967 455788 I sale@theptas.vn

Tin tức & Truyền thông

Lại vướng thủ tục xuất nhập khẩu

746       Ngày: 18-06-2013

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa có công văn

Gửi các bộ Công thương, Tài nguyên và Môi trường (TN và MT), Tài chính và Tổng cục Hải quan kiến nghị giải quyết về thủ tục nhập khẩu thép phế liệu quy định tại Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT ngày 15-11-2012, hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013 có nhiều điểm không phù hợp, khiến các lô hàng thép phế liệu bị ách tắc tại các cửa khẩu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Ngày 10-1 vừa qua, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VnSteel) nhập khẩu hơn 5.000 tấn thép phế liệu về qua cảng Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Qua kiểm tra thực tế trực tiếp bằng mắt thường tại chỗ, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Phú Mỹ không có cơ sở để xác định hàng có đủ điều kiện nhập khẩu hay không, do đó phải thông qua ý kiến của "Hội đồng thẩm định chuyên ngành" hoặc tiến hành trưng cầu giám định tại tổ giám định có chức năng do Bộ TN và MT công bố theo quy định tại Ðiều 10, Thông tư 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT (gọi tắt là Thông tư 34). Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại chưa thành lập "Hội đồng" này, và Bộ TN và MT cũng chưa chỉ định tổ chức có chức năng giám định phế liệu nhập khẩu. Do đó, chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Phú Mỹ chưa có cơ sở thực hiện việc xác nhận "mang hàng về bảo quản" cũng như thực hiện thủ tục thông quan đối với hàng nhập khẩu. Trong khi chờ đợi hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, doanh nghiệp được yêu cầu giữ nguyên trạng hàng hóa tại cửa khẩu, không tự ý đưa hàng ra khỏi khu vực giám sát của cơ quan hải quan.

Phó Tổng Giám đốc VnSteel Bùi Văn Hùng cho biết: Tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn, việc chưa thông quan lô hàng này phải chờ các cơ quan chức năng thành lập Hội đồng thẩm định chuyên ngành và chỉ định tổ chức có chức năng giám định phế liệu nhập khẩu sẽ gây thiệt hại rất lớn cho VnSteel. Lô hàng này tổng công ty đã thanh toán cho doanh nghiệp nước ngoài, lãi vay vẫn phải trả, nhưng hàng thì không được đem vào sản xuất. Không chỉ VnSteel, nhiều doanh nghiệp sản xuất phôi thép bằng lò điện cũng "chết đứng" vì quy định của Thông tư 34. Mục 2, điều 10 của Thông tư yêu cầu: "Cơ quan hải quan căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với loại phế liệu nhập khẩu hoặc các yêu cầu về mô tả phế liệu tương ứng trong Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu, thành lập Hội đồng thẩm định chuyên ngành để đánh giá về yêu cầu bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu".

Phó Chủ tịch VSA Nguyễn Tiến Nghi đánh giá, đây là quy định không rõ ràng và thiếu khả thi vì thép phế là nguyên liệu chính để sản xuất phôi thép ở nước ta. Không rõ ràng ở điểm, có phải tất cả các lô hàng phế liệu đều phải qua Hội đồng thẩm định hay chỉ lô hàng nào nghi ngờ có "vấn đề về môi trường" mới cần tổ chức Hội đồng thẩm định? Vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp thép đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phôi thép bằng lò điện, nguyên liệu chính của các nhà máy này là thép phế. Do lượng thép phế trong nước không đáp ứng đủ, cho nên chủ yếu phải nhập khẩu. Lượng phế liệu nhập khẩu năm 2011 là 2,6 triệu tấn, năm 2012 tăng lên 3,5 triệu tấn  và dự báo còn tăng lên nữa vì có thêm nhiều lò điện xây dựng xong sẽ đi vào sản xuất (thống kê của VSA tính đến ngày 21-1, cả nước có 63 lò điện sẽ đi vào sản xuất trong hai năm 2013 và 2014). Nếu lô thép phế nào cũng cần Hội đồng thẩm định, mỗi lô có thể chỉ vài chục tấn thì sẽ cần bao nhiêu Hội đồng? Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, ai sẽ đứng ra thành lập Hội đồng? Tính sơ sơ, thời gian lưu tàu, lưu bãi đã rất tốn kém, chi phí buộc phải tính vào giá thành, người tiêu dùng vì vậy sẽ bị thiệt hại và làm giảm sức cạnh tranh giữa thép trong nước với thép nhập khẩu. Quy định không rõ ràng sẽ là kẽ hở dẫn đến việc lợi dụng chính sách để sách nhiễu doanh nghiệp và phát sinh tiêu cực.

Trước khó khăn của một số doanh nghiệp nhập khẩu thép phế, ngày 30-1, Bộ TN và MT đã "chữa cháy" bằng cách ra Quyết định số 130/QÐ-BTNMT, chỉ định tạm thời Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Quatest 3) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam thực hiện việc giám định phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất được phép nhập khẩu, phù hợp quy chuẩn quốc gia về môi trường do Bộ TN và MT ban hành. Sau khi Bộ TN và MT ban hành quyết định chỉ định các đơn vị, tổ chức có đủ điều kiện giám định, quyết định này sẽ hết hiệu lực.

Ðây không phải lần đầu việc nhập khẩu thép phế gặp rắc rối. Trước đó, vào năm 2007, gần 7.000 tấn thép phế nhập khẩu của các doanh nghiệp thép đã bị giữ ở cảng gần ba tháng vì "có mùi hôi khó chịu" và "chứa tạp chất". Theo một số chuyên gia ngành thép, Luật Bảo vệ môi trường có một số điểm không phù hợp thực tế, quan niệm thép phế là chất phế thải, nhưng thực tế thép phế lại là nguyên liệu để sản xuất thép. Trên thế giới mỗi năm sản xuất khoảng 1,4 tỷ tấn thép thì thép phế đóng góp khoảng 35% sản lượng. Sản xuất phôi thép từ thép phế là công nghệ luyện kim sạch nhất và năng suất cao nhất vì thép phế có tới hơn 95% là sắt trong khi quặng chỉ có 50% sắt, còn lại là các tạp chất khác. Ðã gọi là thép phế thì không thể có 100% sắt mà sẽ lẫn một số tạp chất khác cũng như không thể tránh khỏi việc có mùi.

VSA kiến nghị, về lâu dài, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét điều chỉnh một số điểm chưa phù hợp trong Luật Bảo vệ môi trường. Trong khi chờ sửa đổi quy định Thông tư 34, cần sớm có hướng dẫn các hải quan cửa khẩu cho phép thông quan các lô hàng thép phế có đủ thủ tục theo quy định trước đây để không làm ách tắc hoạt động sản xuất thép, vì các doanh nghiệp thép đang gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian qua do bất động sản đóng băng và đầu tư suy giảm.

Nguồn internet



Ý kiến & Đánh giá
Gọi Zalo Facebook