0976 283788 - 0967 455788 I sale@theptas.vn

Tin tức & Truyền thông

Thời khó khăn mà một số doanh nghiệp ngành thép vẫn nỗ lực vươn lên

760       Ngày: 14-05-2020

Diễn biến của dịch đã tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực kinh tế, nhất là các ngành có hoạt động xuất nhập khẩu. Vì thế, các doanh nghiệp ngành thép đã phải hết sức nỗ lực thay đổi cơ cấu thị trường để vượt qua khó khăn.

Thị trường suy giảm, giá giảm

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong bối cảnh thị trường toàn cầu ảm đạm vì ảnh hưởng của dịch, sản xuất và bán hàng thép trong nước 3 tháng đầu năm 2020 lần lượt có mức tăng trưởng âm là 6% và 12,4% so với cùng kỳ năm 2019, lần lượt đạt 5,7 triệu tấn và 5 triệu tấn. Xuất khẩu thép các loại đạt hơn 1 triệu tấn, cũng giảm 21,3% so với quý I/2019. 

Hơn nữa, trong tháng 3/2020, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép đều giảm như quặng sắt giảm 4-6 USD/tấn; giá thép phế liệu giảm khoảng 12-15 USD/tấn; giá thép cuộn cán nóng (HRC) giảm sâu ở mức 50-55 USD/tấn so với mức giá hồi đầu tháng 3/2020. So với giá giao dịch HRC đầu năm 2020, mức giá này đã giảm 90-92USD/tấn. Điều này sẽ rất khó khăn cho cả nhà sản xuất HRC trong nước, cũng như các doanh nghiệp cán dẹt sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.

Vì vậy, từ đầu 2020, các doanh nghiệp ngành thép đã dự báo xu hướng khó khăn, thách thức với ngành thép sẽ còn tiếp tục gia tăng, bởi ngoài đại dịch làm ngưng trệ các ngành sản xuất mà còn có cả xu hướng bảo hộ trên thị trường quốc tế, sự ảm đạm của thị trường bất động sản, xây dựng. Nhiều doanh nghiệp ngành này cho biết kế hoạch kinh doanh cả năm 2020 sẽ không đạt như kế hoạch.

Nhiều doanh nghiệp có mức lợi nhuận tăng cao

Tuy khó khăn, nhưng vẫn có doanh nghiệp ngành thép tìm ra cửa sáng để làm ăn, chờ thời cơ khôi phục sau đại dịch như:

Tập đoàn Hoa Sen (HSG) báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý II niên độ tài chính 2019-2020 ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 200 tỷ đồng, tăng mạnh 277% so với cùng kỳ, dù doanh nghiệp này có sản lượng tiêu thụ ước đạt 338.674 tấn và doanh thu ước đạt 5.780 tỷ đồng, giảm lần lượt 8,6% và 16,3% so với cùng kỳ.

Tương tự, Thép Nam Kim cũng ghi nhận doanh thu thuần trong quý I/2020 đạt gần 2.452 tỷ đồng, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng do giá vốn giảm mạnh gần 24%, giúp công ty báo lãi gộp hơn 212 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm báo lỗ hơn 1 tỷ đồng. 

Tập đoàn Hòa Phát cũng ghi nhận doanh thu quý I/2020 đạt 19.450 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.305 tỷ đồng, tương ứng tăng 28% và 27% so với cùng kỳ 2019. Nguyên nhân nhờ vào hai ngành mũi nhọn là thép và nông nghiệp. Ngoài ra, các sản phẩm của điện lạnh Hòa Phát như điều hòa, tủ đông, tủ lạnh đều tăng trưởng mạnh góp phần đưa sản lượng tăng 57% so với cùng kỳ năm 2019.

Không chỉ nhờ vào kế hoạch kinh doanh, các doanh nghiệp báo lãi được còn nhờ vào các giải pháp để thích ứng và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

GK



Ý kiến & Đánh giá
Gọi Zalo Facebook